PGS.TS Nguyễn Hữu Dong (Phó giám đốc Trung tâm đào tạo liên tục ngành Dược – trường đại học Đại Nam)

Thành phần An Cung Ngưu Hoàng Hoàn?

“An Cung Ngưu Hoàng Hoàn” là bài thuốc nổi tiếng của danh y Ngô Đường đời nhà Thanh -Trung Quốc, gồm 11 vị:

(1) Ngưu hoàng (sỏi tự nhiên trong túi mật của trâu, bò) 40g,
(2) Sừng tê giác 40g,
(3) Xạ hương (túi xạ trong hươu xạ, cầy hương, chuột hương) 10g,
(4) Trân châu (ngọc trai) 20g,
(5) Chu sa hay thần sa 40g,
(6) Hùng hoàng (khoáng thiên nhiên) 40g,
(7) Băng phiến còn gọi là Long não 10g,
(8) Hoàng liên 40g,
(9) Hoàng cầm 40g,
(10) Chi tử (quả dành dành) 40g và
(11) Uất kim (nghệ vàng) 40g.

Các vị trên tán thành bột, trộn đều, luyện với mật ong, làm thành hoàn, mỗi hoàn 4g, bảo quản trong bao sáp. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên hoàn, bệnh nặng có thể tăng liều. Chủ trị viêm não, nói mê, co quắp, trị ôn nhiệt, nhiệt tà nội hãm tâm bào, đàm nhiệt ủng phế tâm khiếu, dẫn đến sốt cao, phiền táo, hôn mê, rối loạn ngôn ngữ, lưỡi rụt, tay chân giá lạnh, trúng phong khiếu bế.

Ngoài ra, còn có dạng viên hoàn “Ngưu Hoàng Thanh Tâm”, gồm:

(1) Ngưu hoàng 0,4g,
(2) Hoàng liên 6g,
(3) Chu sa 4g,
(4) Hoàng cầm 12g,
(5) Quả dành dành 12g và nghệ vàng 12g, là loại thuốc tiêu đờm, an thần, mê man, động kinh phát cuồng, đờm giải tắc đọng.

an cung ngưu hoàng hoàn
An Cung Ngưu Hoàng Hoàn

Ngưu Hoàng?

Nguồn gốc Ngưu Hoàng!

Hiện nay trên thị trường có 2 loại ngưu hoàng, ngưu hoàng thiên nhiên có tên khoa học là calculus bovis (bezoar), ngưu hoàng tổng hợp có tên khoa học là calculus bovis artificialis (bezoar artificialis).

Người ta lấy ngưu hoàng thiên nhiên bằng cách: Trâu hoặc bò già gầy yếu, mắt lờ mờ, khi đi đầu hơi quay nghiêng, đứng hay nằm có tiếng thở khò khè như hen, là những con có ngưu hoàng. Khi mổ lấy túi mật, rạch và lọc qua rây, lấy riêng ngưu hoàng. Nếu để lâu mật ngấm vào, sẽ làm cho ngưu hoàng chuyển sang màu đen, giảm chất lượng. Ngưu hoàng được rửa qua rượu, lọc chân không, phơi trong bóng râm mát cho đến khô. Bảo quản bằng cách gói bằng giấy bóng kính, cho vào hộp kín, phía dưới có vôi sống để hút ẩm. Không được phơi nắng hay sấy qua lửa, không để ra ngoài ánh sáng, để tránh nứt vỏ và sẫm đen.

Thành phần hoá học Ngưu Hoàng?

Trong ngưu hoàng chứa acid cholic, cholesterin, ergosterol, acid béo, bilirubin, vitamin D, muối calci, sắt và đồng.

Tí vi Ngưu Hoàng?

Ngưu hoàng có vị đắng, tính mát, nhưng hơi độc, tác dụng vào các kinh tâm, can.

Công dụng Ngưu Hoàng?

Ngưu Hoàng có tác dụng thanh tâm, giải nhiệt, khai khiếu, long đờm, trấn kinh, giải độc. Dùng làm thuốc an thần, mạnh tim, trị chứng điên cuồng, sốt cao mê sảng, trẻ em kinh phong co giật.

Liêu dùng?

Ngày dùng từ 0,3 đến 0,9g chia làm nhiều lần.

Sừng tê giác?

Sừng tê giác có tên khoa học là Cornu rhinoceri. Tê giác là động vật có vú, da dầy, to thô, trên mũi có sừng, tên khoa học là Rhinoceros sondaicus Desmarest, thuộc họ tê giác-Rhinocerotidae. Tê giác có loại 1 hoặc 2 sừng, tê giác một sừng lại có loại nhỏ và lớn, đôi khi còn chia thành tê giác châu Á và châu Phi, thường chỉ ở con đực mới có sừng. Tê giác thường sống đơn độc trong rừng già, rừng sâu, những vùng hiểm trở, những vùng đầm lầy, vì nó thích dầm mình trong bùn. Con đực và cái chỉ cặp đôi vào mùa sinh đẻ. Khi bị săn bắn, nhiều con chưa chết ngay, chạy vào rừng sâu, có trường hợp sau thời gian dài người đi rừng mới phát hiện thấy. Chính vì vậy chất lượng sừng tê giác rất khác nhau, không chỉ phụ thuộc vào loại tê giác, mà còn phụ thuộc thời gian phát hiện ra tê giác đã chết để thu lấy sừng. Sừng tê giác thu hoạch bằng cách tách lớp da dầy khỏi xương mũi, cạo sạch màng và gai cứng ở phần đế. Sừng có hình chuỳ tròn, phần đầu múp nhọn, dài 20-25cm, mặt ngoài màu đen, nhạt dần về phía dưới. Đế sừng có răng cưa nhỏ, gọi là “mã nha biên”, lồi lõm không đều, quanh mã nha biên ở phần giữa có vân dọc và gai cứng thẳng, gọi là “cương mao”, mặt trước sừng có một rảnh dọc, dài 12-16cm, dưới rảnh có một u lồi, gọi là “địa cương”, dài khoảng 8cm cao 4cm, sừng có nhiều chấm tròn dày đặc, gọi là “sa đê”, chất sừng rắn và nặng, thớ dọc đều, không có thớ vặn, nên chỉ có thể chẻ dọc, phiến chẻ có màu trắng xám, điểm lấm tấm như hạt vừng. Loại tốt có màu đen bóng, không nứt, sa đê tròn to, mùi thơm nhẹ. Do hiếm và cấm sử dụng, ngày nay dùng sừng trâu nước thay thế.

Thành phần hoá học Sừng Tê Giác?

Sừng tê giác chứa keratin, calci carbonat, calci phosphate, acid amin, có tài liệu cho rằng nước chiết của sừng tê giác cho phản ứng alcaloid.

Tính vị sừng tê giác?

Sừng tê giác có vị đắng, chua, mặn, tính hàn, vào các kinh tâm, can, vị, làm mát huyết, giải độc, định kinh an thần.

Cách dùng?

Dùng trong các trường hợp sốt cao phát cuồng, sốt vàng da, thổ huyết, chảy máu cam (cầm máu) nhức đầu, trị ung nhọt. Liều dùng từ 0,5 đến 6g dưới các dạng thuốc sắc, thuốc tán, hoặc mài lấy nước uống. Hiện nay trên thị trường có loại thuỷ ngưu giác (sừng trâu) chỉ có tác dụng trị đau đầu do thời khí hàn nhiệt, nhiệt độc phong, nhiệt trẻ em và nhiệt quá mạnh, liều dùng cao hơn,không có tác dụng định kinh an thần và cầm máu. Gần đây còn cho rằng, sừng tê giác có tác dụng kích dục mạnh.

Xạ Hương?

Xạ hương là túi xạ lấy từ hươu xạ hoặc cầy hương. Hươu xạ có tên khoa học là Moschus moschiferus L. Ở Việt Nam, hươu xạ có ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, sống trong vùng rừng núi có độ cao 1000-2000 m, kiếm ăn vào chập tối hoặc ban đêm, sống đơn độc, ghép đôi vào mùa sinh đẻ (tháng 2-5), chỉ đạt trọng lượng khoảng 15 kg. Hươu xạ đực có một túi tròn nhiều lông, hơi phồng lên ở dưới bụng, nằm ở khoảng rốn và cơ quan sinh dục, túi xạ tăng theo tuổi, có thể nặng 30-60 g ở hươu xạ trưởng thành. Túi xạ phải được cắt ngay, chất xạ ở dạng quánh đặc như sữa hoặc mật ong, khi phơi khô thành bột, hay thành hạt lổn nhổn, kích thước không đều, có mùi thơm hắc, đặc biệt mạnh, để lâu không mất mùi, ở dạng bột có màu vàng nâu, nâu đỏ hay đỏ tím, lấy tay vê tròn, nhưng không dính thành khối, ở dạng hạt chất lượng tốt hơn. Khi trộn với camphor, valerian, tinh dầu tràm, acid hydrocyanic, xạ hương mất mùi đặc trưng của nó. Vì là dược liệu quí hiếm, nên hay bị trộn với bột đậu, mì, đặc biệt bột hạt cây vông vang, vì hạt này cũng có mùi xạ. Lấy xạ hương cho vào bát nước nóng, thấy tan ngay, không có cặn, dung dịch có màu vàng nhạt, mùi thơm nồng, hoặc cho xạ hương vào lửa thấy nổ lách tách, loé sang, sau để lại nốt dầu trong, là xạ nguyên chất.

Xạ hương còn được chế biến với đinh hương bằng cách lấy túi xạ đốt lửa cho cháy hết lông, cắt thành 5-6 mảnh, cho vào 20g đinh hương, tán thành bột mịn. Hỗn hợp này có thể bảo quản 5 – 6 năm.

Thành phần hoá học xạ hương?

Xạ hương chứa tinh dầu, mà thành phần chính là muskon, 1-ceton-3-methyl-cyclopentadecanon với hàm lượng 0,5-2%, chất muskon cho mùi đặc trưng của xạ hương. Hiện nay đã tổng hợp được exalton (exaltolid) có mùi tương tự của muskon. Ngoài ra trong xạ hương còn chứa chất béo, cholesterin và protein.

Tính vị, công dụng?

Xạ hương có vị cay, the, tính ấm, không độc, vào 12 đường kinh, làm thông kinh lạc, thông khiếu, trị trúng phong, mê man, choáng váng, hoạt lạc, tiêu viêm, kích thích, giảm đau, giải độc, trị đau mắt, cam tẩu mã. Làm thuốc thông mũi hồi sinh, phụ nữ yếu sức khi đẻ thai khó ra. Ngày dùng 0,04-0,10 g dưới dạng thuốc bột. Xạ hương không dùng dưới dạng thuốc sắc. Biệt dược nổi tiếng “lục thần hoàn” và “nhân đơn”, trong đó có xạ hương là dược phẩm nổi tiếng. Theo kinh nghiệm của đồng bào vùng cao, vài gram xạ hương trộn với 5-6 quả hồi, 30g ngưu tất và 0,4g diêm sinh, phơi khô, giã nhỏ, cho vào túi vải, buộc vào rốn, để làm thuốc tránh thai.

Ở Trung Quốc, còn lưu truyền một loại thuốc dưỡng da cho Từ Hy Thái Hậu, gồm 0,4 g xạ hương, 1,6g bạch cương tàm, 0,8g băng phiến, 1,6g sơn tra và 2,4g đậu xanh. Tất cả nghiền thành bột mịn, trộn với nước làm thành kem bôi (Theo Từ Hy Quang Tự y phương tuyển nghị). Xạ hương còn là hương liệu cao cấp, làm chất định hương trong nước hoa, xà phòng thơm. Hàng năm châu Âu tiêu thụ khoảng 10 vạn túi xạ, mỗi kg túi xạ có giá khoảng 1500 đôla, mỗi kg chất xạ hương nguyên chất trị giá trên 80 ngàn đôla. Trên thế giới xạ hương Tây Tạng và các nước Đông Dương được ưa chuộng hơn xạ hương các nước thuộc Liên Xô trước đây, Triều Tiên, Mông Cổ, Ne Pal và Ấn Độ.

Trong thiên nhiên, cầy hương sống hoang dại, có tên khoa học là Viverricula indica và cầy giông (Viverra zibetha) cũng cho chất xạ hương như hươu xạ. Hiện nay người ta đã tổng hợp được chất có hương giống hệt như xạ hương, hoặc trộn với bột quả cây vông vang, cũng có mùi giống xạ hương.

Ngọc Trai?

Ngọc trai hay còn gọi là trân châu có tên khoa học là margarita, tên tiếng Anh là pearl dưới dạng hình tròn hoặc bầu dục, đường kính 6-8 mm, nhẵn bóng, màu trắng dục, óng sáng, khi vỡ có những lớp vân mờ, ngọc trai nuôi có nhiều màu khác nhau, màu hồng được ưa chuộng hơn. Trên thị trường thế giới, Pteria martensii Dunker, loài trai sông đôi khi cũng cho ngọc nhưng không quí bằng ngọc trai. Trai ngọc vì có khả năng tự vệ đặc biệt, khi có ấu trùng hoặc hạt cát lọt vào giữa lớp vỏ và màng áo, trai lập tức tiết ra chất đá vôi, xà cừ và conchiolin (giống như kitin), để bao vây lấy vật thể lạ, thành những lớp màng đồng tâm, nhiều lần như vậy mà hình thành ngọc.

Tính vị, công dụng?

Ngọc trai có vị ngọt, mặn, tính hàn, vào các kinh tâm, can, có tác dụng thanh nhiệt, ích âm, trấn âm, an thần, trừ đờm, sáng mắt, giải độc. Chữa phiền muộn, tiêu khát, hay giật mình, họng đau, mắt đỏ, có màng mộng, dùng ngoài chữa mụn nhọt loét. Liều dùng 0,03-0,60 g/ngày, dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc viên. Ngọc trai được ca tụng như một phương thuốc thần hiệu để làm da mặt sáng và đẹp, được mạnh danh là “khang Thọ Chi Thạch”. Từ Hy Thái Hậu nhờ uống bột ngọc trai thường xuyên, mà có làn da hồng, bóng và mịn màng, mặc dù đã ở tuổi ngoài 70. Ở châu Âu, người ta dùng ngọc trai để chữa động kinh, điên khùng.

Chu Sa?

Chu sa hay thần sa có tên khoa học là sulfuratum hydrargyrium (cinnabaris) là khoáng chât, có nhiều hình dạng khác nhau như mảnh, sợi, hạt, cục…màu đỏ hay nâu hồng, có vết bóng sáng, rắn nhưng rất giòn, thường tán thành bột, không được lẫn cát, lấy ngón tay xát, màu không ra tay là loại tốt. Không có mùi vị, không tan trong nước, cho vào ống nghiệm đun nóng chuyển thành sulfure màu đen, sau đó tiếp tục phân huỷ thành khí sulfure dioxyd và thuỷ ngân kim loại bám vào thành ống.

Người ta chế biến bằng cách: Mài thần sa trong cối hay bát sứ, thêm ít nước mưa hay nước cất, để lắng, có màng nổi lên thì vớt bỏ, dùng nam châm hút hết mùn sắt, khuấy nhẹ gạn bỏ nước đỏ. Làm như vậy nhiều lần đến khi nước không còn màu đỏ, nước trong gọi là thuỷ phi. Cặn trong bát che kín bằng giấy bản, đem phơi nắng cho đến khô. Hiện nay trên thị trường có chu sa nhân tạo, chất lượng kém hơn chu sa thiên nhiên. Trong chu sa chứa 86% thuỷ ngân và 14% lưu huỳnh ở dạng hợp chất HgS. Năm 1963, Đàm Trung Bảo mới xác định selennua thuỷ ngân là hoạt chất của thần sa, với hàm lượng 3,5-4,5%. Trong chu sa chất này rất thấp chỉ ở dạng vết. Chu sa thường ở dạng bột đỏ, còn thần sa ở dạng cục thành khối óng ánh, màu đỏ tối hay đỏ tươi. Năm 1964, Đại học Y Hà Nội kết luận: Các muối natri và kali của selen như selenat hay selenit rất độc, không được dùng. Muối HgSe dưới dạng keo có trong chu sa hay thần sa hoặc tổng hợp, ít độc và có tác dụng an thần, chống co giật mạnh hơn bromua. Tác dụng ở vỏ não, không làm thay đổi nhịp tim, kéo dài giấc ngủ và kéo dài thời gian mê. Ở nước ngoài, một số hợp chất selen được dùng như chu sa, thần sa. Năm 1964, Mỹ sử dụng 5,5% selen làm thuốc, ước khoảng 30 tấn. Như vậy, nếu từ thần sa chỉ phân lập lấy HgSe tinh khiết để dùng, sẽ giảm độc tính đi nhiều. Còn nếu dùng thần sa hoặc chu sa thì phải lưu ý: hai vị này rất kỵ nóng, nếu mài hoặc tán với nước nóng sẽ giải phóng thuỷ ngân, làm tăng độc tính, vì vậy phải mài hoặc tán với nước nguội. Thần sa là thuốc độc bảng A, cần bảo quản trong lọ thuỷ tinh màu vàng, nút kín và để trong tủ có khoá và khô ráo.

Tính vị, công dụng?

Thần sa tính hơi hàn, vào kinh tâm, có tác dụng an thần, trấn kinh, giải độc, dùng làm thuốc mát tim, chữa hoảng hốt, mất ngủ, hay mê, giật mình, chỉ được dùng với liều 0,3-1g/ngày dưới dạng thuốc bột hay viên hoàn. YHCT Trung Quốc cho rằng, thần sa hay chu sa có công dụng làm yên hồn phách, trấn kinh, trị điên, động kinh, làm sáng mắt, giải độc, trị co quắp, giang mai giai đoạn đầu, mất ngủ mộng nhiều, tâm quỉ, phong đờm sây sẫm, nuôi tinh thần, nhưng phải dùng sống không qua lửa. Trung Quốc chế “Qui Thành Đan” để trị điên giản cuồng loạn, kinh sợ lo lắng, tư lự, hay quyên, khí tâm không đủ. Cách chế như sau: Dùng 2 quả tim lợn bổ đôi, cho 64g thần sa cùng 3 lạng đăng tâm thảo (cây cỏ bấc đèn), khâu lại, cho vào nồi đất nấu kỹ, lấy thần sa ra nghiền nhỏ, trộn với 64g bột phục linh, lẫn với hồ nếp, làm viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 9 viên, dùng nước sắc mạch môn đông để dẫn thuốc, bệnh nặng thì dùng nước nhân sâm.

Hùng Hoàng?

Hùng hoàng hay hùng tinh có tên khoa học là realgar có chứa arsen bisulfur thiên nhiên, là khoáng chất có tỷ trọng khoảng 3,5 – cháy và bốc thành hơi ở 700 độ C, màu đỏ cam, Thư hoàng thì màu vàng, bóng sáng thì gọi là “Minh hùng hoàng” là khối rắn, mùi hơi khét của lưu huỳnh, khi tán nhỏ có màu hồng, không tan trong nước, tan trong ammoniac thành dung dịch không màu. Cho vào than hồng cho mùi tỏi (có arsen) và khí SO2. Khi hùng hoàng thiên nhiên ở trong đất thì mềm, dùng dao tre cắt thành miếng, ra ngoài thì rắn cục. Thường tán hùng hoàng bằng thuỷ phi, có nơi dùng dấm trộn với nước rau cải, nấu với hùng hoàng đến cạn khô thì dùng. Trong hùng hoàng arsen chiếm 70,1%, lưu huỳnh 29,9%. Có tác giả cho rằng: Hùng hoàng là As2S3, còn thư hoàng là As2S2, trong thư hoàng lẫn stinbi sulfur (Sb2S3), sulfur sắt và oxyd silic. Hùng hoàng phải bảo quản theo qui chế thuốc độc bảng A. Tác dụng vào các kinh can và vị, ở nước ta chủ yếu dùng ngoài chữa ghẻ lở, mụn nhọt. Ở Trung Quốc khi uống đều phải phi, trừ đờm giải độc, trị kinh giản, sốt rét kéo dài. Liều dùng theo đường uống 1,5-3g dưới dạng thuốc bột hay thuốc viên, nhưng phải rất thận trọng. Có tài liệu ghi dùng hùng hoàng và chu sa lượng bằng nhau, mỗi ngày uống 3g, dùng huyết trong tim lợn mới mổ hoà với nước sôi để dẩn thuốc, trị bệnh động kinh.

Băng Phiến?

Băng phiến có tên khoa học là borneol hay camphor là chất khi cho tinh dầu đại bi thăng hoa mà thu được. Còn có tên gọi là “mai hoa băng phiến” có vị the đắng, mùi thơm nóng, tính hàn.Vào các kinh tâm, tỳ, phế, có tác dụng tán phong hàn, tiêu đờm, sát khuẩn, thông các khiếu, chữa đau vùng tim, ho lâu ngày. Liều dùng 0,1-0,2 g/ngày dưới dạng thuốc bột, hoặc 20-30 g lá đại bi tượi. Có thể cất mai hoa băng phiến bằng phương pháp thủ công như sau : Dùng chõ trên để thau nước lạnh, cho lá đại bi đã băm nhỏ vào chõ, thêm nước cho ngập, trát kín chõ và chậu thau, đun nhỏ lửa 3-4 giờ, mai hoa băng phiến thăng hoa bám vào đáy chậu, lấy ra cạo lấy bột băng phiến. Theo YHCT-TQ băng phiến có công dụng thông mọi khiếu, tan hoả uất, trừ màng sáng mắt, đuổi phong, trị động kinh. Khi vào dạ dày có cảm giác nóng mà sảng khoái, đến ruột kích thích thần kinh vách ruột, làm tăng nhu động, tăng bạch cầu, tăng tuần hoàn, hưng phấn thần kinh đại não, tạng tim chuyển động tăng, tinh thần đầy đủ cả mười phần. Chủ trị chứng tạng tâm suy nhược.

Hoàng Liên?

Hoàng liên(coptis chinensis) hay hoàng liên chân gà (coptis quinquesecta) thuộc họ Hoàng liên-Ranunculaceae (không nên nhầm với một số vị khác như hoàng liên gai hay hoàng liên ô rô thuộc họ Hoàng liên gai-Berberidaceae) là vị thuốc quí, ở Việt Nam có 2 loài trong tổng số 12 loài trên thế giới, có tác giả cho rằng ta có 3 loài, nhưng sau này đã xác định loài Coptis teeta, mà Trung Quốc gọi là “Vân hoàng liên” và loài coptis chinensis cùng là một loài.Sở dĩ có tên gọi hoàng liên, vì vị này có màu vàng, rễ nằm ngang, nối liền với nhau. Cả 2 loài đều là cây thảo ưa ẩm và đặc biệt ưa bóng, thường mọc thành đám trên vách đá hoặc trên thân các cây gỗ có nhiều rêu, ở vùng núi cao từ 1600 đến 2200m, rừng luôn ẩm, quanh năm có mây mù, nhiệt độ trung bình 13-14 độ C. Hoàng liên ra hoa quả hàng năm, nhưng lượng hạt không nhiều, tái sinh chủ yếu bằng hạt, hiện nay đã bị khai thác cạn kiệt. Ở Trung Quốc, dược liệu chủ yếu là cây trồng ở tỉnh Szechwan, rễ thu vào mùa thu. Thành phần hoá học chủ yếu là alkaloid, như berberin, palmatin…

Hoàng liên có công dụng: tả hoả giải độc, thanh nhiệt, táo thấp, sát trùng, khi vào các kinh: tâm, can, vị và đại tràng, làm mát hoả tâm, ráo tỳ thấp, mát máu, tiêu ứ, ngừng tả, chữa chứng thiếu dịch vị , mắt đau có mủ, làm sáng mắt, khiến chữa chứng hay quên, trị 5 tạng lạnh, nóng, đi ngoài ra máu, ngừng đái đường, bệnh quá sợ hãi, lợi xương, mở uất trừ phiền, làm mát cái uất nhiệt của tâm hoả, trị cái sinh ra phát cuồng của độc dương. Trong bộ “Dược thảo toàn thư” Andrew Chevallier viết về vị thuốc hoàng liên của TQ như sau: Hoàng liên tẩy sạch cái nóng và làm khô cái ẩm ướt trong cơ thể. Ngày dùng 2-12 g dưới dạng thuốc sắc.

Cách chế biến làm thay đổi công năng tác dụng của hoàng liên: Dùng sống thì trị thực hoả, ban cuồng, phiền khát; sao với nước ngô thì điều vị, lợi thuỷ hậu tràng; sao với đất sét thì trị thức ăn bị tích đọng, trị giun; sao với nước muối thì trị hạ tiêu có phục hoả, sưng đau âm hộ; sao với rượu thì trị thượng tiêu; sao với nước gừng thì trị bệnh ở trung tiêu; sao với ngô thù du thì trị bệnh ở hạ tiêu; tẩm với nước gừng rồi sao thì sung nhiệt, chế với gừng thì giảm tính hàn.

Hoàng Cầm?

Hoàng cầm là vị thuốc thứ hai trong thang “An cung ngưu hoàng hoàn” có công năng trị các chứng nóng và làm khô cái ẩm ướt trong cơ thể. Khi vào dạ dày làm tăng dịch vị, đến ruột làm tăng nhu động, vào máu làm tăng lượng oxy để hạ nhiệt hoả, là vị thuốc thanh hoả, lui dương nuôi âm, đi lên thì làm mát cái hoả ở trên, khi đã bền chắc ở trên thì đưa khí xuống để làm mát cái hoả ở dưới, dùng để làm mát tim, trị thấp nhiệt trong phổi, tả phế hoả đưa ngược lên để chữa nóng phần trên cơ thể, như tròng mắt sưng đỏ, ứ huyết trào thịnh, phần trên cơ thể bị máu tích lại, đi xuống bổ hàn thuỷ ở bàng quang, yên thai, nuôi âm lui dương. Chính vì vậy, khi chế hoàng cầm, muốn đi lên thì sao với rượu, muốn trừ hoả ở can đởm thì sao với nước mật lợn, sao với sài hồ thì lui cơn lúc nóng lúc rét, sao với thược dược thì trị lỵ, sao với tang bạch bì thì tả phế hoả, sao với bạch truật thì an thai. Nhưng tác dụng chính của hoàng cầm là thanh nhiệt và thanh thấp nhiệt. Hoàng cầm là rễ phơi hay sấy khô của cây Hoàng cầm (Scutellaria baicalensis), loại rễ già: trong rỗng đen, ngoài vàng gọi là khô cầm, loại rễ non giữa cứng chắc mịn, ngoài vàng, gọi là điều cầm. Loại to bằng ngón tay là loại tốt. Khi dùng, đem rửa sạch, ủ kín một đêm cho mềm, thái mỏng 2mm, phơi khô, tẩm rượu để 2 giờ, sao qua. Năm 1973, đã tìm thấy 92 viên thuốc gỗ hoàng cầm trong một ngôi mộ vào thế kỷ thứ 2 SCN ở Tây Bắc-TQ, như vậy hoàng cầm đã được sử dụng làm thuốc ít nhất từ khi đó.

Trong hoàng cầm có tinh dầu và các flavonoid như baicalin, scutelarin, woogonin…vào các kinh tâm, phế, can, đởm, đại tràng. Trong YHCT-TQ hoàng cầm chủ yếu dùng làm thuốc bổ, an thần, chống co giật, trị sốt, trị rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương, động kinh, mất ngủ, bệnh tim, đặc biệt là viêm cơ tim. Ngày uống 6-15g dưới dạng thuốc sắc hoặc bột. Ngày nay dược lý thực nghiệm đã chứng minh, các flavonoid trong hoàng cầm có tác dụng chống viêm, giảm đau, ức chế ngưng tập tiểu cầu, dự phòng giảm tiểu cầu và fibrinogen gây đông máu, ức chế sự lắng đọng cholesteron và triglyceride, giảm nồng độ của chúng trong máu, ức chế khả năng gây ung thư của hoá chất, ức chế các độc tố như aflatoxin. Cao chiết nước nóng hoàng cầm ức chế men aldose reductase gây tích luỹ sorbitol trong tế bào, dẫn đến biến chứng ở võng mạc.

Chi Tử?

Chi tử hay sơn chi tử là quả dành dành, có tên khoa học fructus gardenia, được dùng làm thuốc trong YHCT-TQ ít nhất 2000 năm, nó còn cung cấp tinh dầu dùng tạo hương cho trà, làm nước hoa thường pha trộn với tinh dầu hoa nhài và hoa huệ, bột quả dành dành trộn với lòng trắng trứng, đắp lên chữa các vết bầm và tàn nhang. Trong thuốc YHCT, chi tử có vị đắng, tính hàn, vào các kinh tâm, phế và tam tiêu, có công dụng tả thấp nhiệt tam tiêu, giải hoả uất 5 chi, vì vậy mà giải nhiệt mát máu, đối với hệ thần kinh thì có tác dụng trấn tĩnh, chữa đau trong ngực, trị 5 nội tà khí như nóng ở trong vị, mặt đỏ vì rượu, đau mắt đỏ do nhiệt, rụng tóc, nóng ran ở ngực, tâm, đại tiểu tràng, trong tâm phiền muộn.Cách chế biến cũng liên quan đến tính năng tác dụng: Dùng sống thì thanh nhiệt, chữa sốt; sao vàng thì có tác dụng tả hoả, thoát cái nóng trong người; sao tồn tính thì có tác dụng chỉ huyết, cầm máu, tiêu viêm, có người bỏ vỏ lấy nhân, ngâm với nước cam thảo 1 đêm, sau đó phơi khô, có người để trị thượng tiêu dùng cả vỏ, trị hạ tiêu thì bỏ vỏ, rửa bỏ chất vàng, trị các bệnh về máu thì sao đen,trừ nhiệt của vùng tâm ngực thì dùng nhân, trừ nhiệt vùng cơ biểu thì dùng vỏ. Quả rất hút ẩm, nên phải kiểm tra thường xuyên. Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc. Ngày nay dược lý thực nghiệm đã chứng minh quả dành có các tác dụng: Lợi mật, ức chế sự tiết dịch vị, giảm đau, hạ huyết áp, kháng khuẩn, hạ cholesteron và triglyceride, giảm co bóp cơ tim. Đối với hệ thần kinh thì có tác dụng gây trấn tĩnh, làm giảm hoạt động tự nhiên, kéo dài thời gian ngủ. Các hợp chất chính là iridioid glycoside, tinh dầu và chất màu alpha-crocin và crocetin.

Uất Kim?

Vị thứ 11 là uất kim, chế từ nghệ vàng có tên khoa học là curcuma longa. Trong YHCT rễ thân cây nghệ vàng chế thành khương hoàng, củ chế thành uất kim. Khương hoàng có tính ấm, tác dụng : hành khí, phá huyết, thông kinh, chữa huyết ứ, phụ nữ kinh bế, cánh tay tê đau, còn uất kim thì hành khí, giải uất, lương huyết, phá ứ, chữa khí huyết ứ trệ, điên cuồng và nhiệt hôn mê. Uất kim ngày dùng 2-10 g, còn khương hoàng từ 4-6 g/ngày.

Hải Thượng Lãn Ông đã viết về nghệ vàng như sau: “khương hoàng tên gọi rễ nghệ vàng-chốn chốn mọc lên khắp xóm làng-ngâm suốt đêm ngày cùng nước gạo-phơi khô dùng để chữa gân cường-tim đau, phá huyết, tiêu ung giỏi-hạ khí, thông lâm nó sở trường-uất kim củ nghệ vốn trong vàng-cay đắng, lạnh bình, thuần hậu lương-chẳng nên ăn sống, sao qua rượu-lương huyết, lên da, nó sở trường-đái máu, huyết lâm, dùng rất tốt-tiêu trừ uất kết, giúp người lương”.

Nghệ đen cũng được sử dụng rộng rãi trong y học với tên gọi “nga truât”, trong y học hiện đại TQ đã sản xuất ra thuốc tiêm chữa ung thư cổ tử cung từ nghệ đen. Các nhà lương y TQ đã phân biệt tính năng sử dụng giữa nghệ vàng và nghệ đen như sau: “Bồng nga truật sắc đen, phá máu ở trong khí, tuy là thuốc để tiết khí ra, nhưng nga truật cũng có ích cho khí, uất kim vào tim, chuyên trị các bệnh về huyết, khương hoàng vào tỳ, trị khí trong huyết, nga truật vào gan, nên trị huyết trong khí”.

Nghệ vàng được sử dụng rất lâu trong YHCT, nhưng mới vài ba chục năm lại đây, mới được y học hiện đại quan tâm nghiên cứu, chứng minh nhiều tác dụng mới của nghệ, đặc biệt của curcumin, vì thế nhu cầu về curcumin ngày càng tăng. Viện ung thư QG Hoa Kỳ xếp curcumin là tác nhân dự phòng hoá học điều trị ung thư thế hệ 3, ngăn cản các chất hoá học gây ra các loại ung thư: ruột kết, tá tràng, dạ dày, gan, phổi…curcumin là chất chống oxy hoá mạnh gấp 2,5 lần so với vitamin C, làm giảm bệnh Alzheimer, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, hạ đường huyết, hạ cholesterol. Giá trị sử dụng của nghệ vẫn được các nhà khoa học tiếp tục khám phá, ngoài curcumin hiện nay người ta còn chứng minh, các polysacharid ukon A,B,C có tác dụng trên hệ thống nội mô, tumerin-một peptid tan trong nước, có tác dụng chống oxy hoá ở mức vi lượng, trong tương lai sẽ là chất bảo quản thực phẩm thân thiện. Nhưng đáng chú ý hơn cả, vẫn là ứng dụng của curcumin trong điều trị bệnh ung thư.

Năm 2011, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Toyama-Nhật Bản đã chứng minh, curcumin có khả năng ngăn ngừa di căn của 3 loại ung thư phổ biến nhất và nguy hiểm nhất hiện nay là ung thư dạ dày,gan và phổi, một lần nữa khẳng định giá trị kháng ung thư của cây nghệ vàng.

Như vậy, trong “An Cung Ngưu Hoàng Hoàn”, danh y Ngô Đường đã phối hợp các vị thuốc theo phương cách phối hợp có tính hỗ trợ lẫn nhau như sau: Ngưu hoàng lấy công năng thanh tâm, giải nhiệt, trấn kinh, khai khiếu…sừng tê giác làm mát huyết, giải độc, định kinh an thần…xạ hương thì thông kinh lạc, thông khiếu, giải độc, mê man do trúng phong…ngọc trai thì ích âm thanh nhiệt, giải độc, trấn âm an thần…thần sa làm mát tim, giải độc, trấn kinh, an thần…hùng hoàng thì giải độc, trị kinh giản…băng phiến thì tán phong hàn, thông các khiếu, trị suy nhược tạng tâm…hoàng liên thì tả hoả giải độc, làm mát âm hoả, mát hoả tâm, khử cái nóng và làm khô cái ẩm ướt…hoàng cầm cũng tương tự như hoàng liên là có tác dụng khử cái nóng và làm khô cái ẩm ướt trong cơ thể, nhưng còn thanh hoả, thanh thấp nhiệt…chi tử thì tả thấp nhiệt tam tiêu, giải hoả uất 5 chi, giải nhiệt mát máu, trấn tỉnh thần kinh…còn uất kim thì lương huyết, tiểu trừ uất kết.

Tác dụng đã rõ, nhưng về độ an toàn khi sử dụng cần hết sức lưu ý một số điểm sau: Bốn vị có xuất sứ là cây thuốc, chỉ cần quan tâm chi tử có bị mốc không? Ngoài ra có 5 vị cần hết sức thận trọng đó là: ngưu hoàng thiên nhiên hay ngưu hoàng tổng hợp, sừng tê giác hay sừng trâu, xạ hương nguyên chất hay trộn với bột hạt cây vông vang, hay xạ hương tổng hợp, thần sa có chế biến để giảm độ độc không? Hàm lượng thuỷ ngân không liên kết ở dạng muối HgSe là bao nhiêu, thần sa thiên nhiên hay thần sa nhân tạo? hàm lượng arsen trong hùng hoàng là bao nhiêu %, có nằm trong phạm vi cho phép không?

Hiện nay, Đồng Nhân Đường-TQ không sử dụng sừng tê giác, thần sa và hùng hoàng trong An cung ngưu hoàng hoàn (Theo toa trong hộp thuốc, còn thực hay hư cần phải xem xét thêm).

Công thức viên hoàn 3 g của Đồng Nhân Đường như sau:

1. Ngưu hoàng 168 mg,
2. Xạ hương 42 mg,
3. ngọc trai 84 mg,
4. rễ hoàng liên 168 mg,
5. rễ hoàng cầm 168 mg,
6. chi tử 168 mg,
7. uất kim 168 mg,
8. băng phiến tổng hợp 42 mg, với các tác dụng: thanh tâm, giải độc, giảm co giật và khai khiếu.

Chỉ định sử dụng trong các chứng bệnh: các bệnh lý về tim, đột quị nội tâm bào, thanh đờm, sốt cao, méo mồm, co giật, hôn mê, mê sảng . Trên đây là một số ý kiến, để các nhà sản xuất, nhà quản lý và người sử dụng tìm hiểu cân nhắc.

Nguồn: Đại Học Đại Nam