Sau khi học xong bài này, học viên có khả năng:
1. Trình bày được định nghĩa, nguyên nhân, triệu chứng của liệt nửa người.
2. Trình bày được mẫu co cứng thường gặp của liệt nửa người.
3. Trình bày được mục tiêu và các biện pháp phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người giai đoạn sớm.
4. Trình bày được mục tiêu và các biện pháp phục hồi chức năng ở giai đoạn phục hồi.
Nội Dung Chính Trong Bài Viết
1. Đại cương
Liệt nửa người hay đột quỵ là thuật ngữ để mô tả trường hợp giảm chức năng đột ngột nửa người bên trái hoặc bên phải do tổn thương của động mạch não. Tỉ lệ tử vong do tai biến mạch máu não còn cao và di chứng thường nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe lao động và cuộc sống không chỉ với người bệnh mà còn ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.
2. Định nghĩa và nguyên nhân
2.1. Định nghĩa
Liệt nửa người là liệt một tay, một chân và thân cùng bên (có thể kèm theo liệt mặt hoặc không)
2.2. Nguyên nhân
– Tai biến mạch máu não:
+ Nhồi máu não: Thiếu máu não cục bộ, chiếm 80% trong TBMMN, xảy ra khi một mạch máu bị tắc hoặc nghẽn, khu vực não mà mạch máu đó cung cấp bị thiếu máu và hoại tử.
+ Xuất huyết (chảy máu) não chiếm 20% trong TBMMN: Máu thoát ra khỏi thành mạch chảy vào nhu mô não
– Các nguyên nhân khác: Bại não, viêm não, viêm màng não, chấn thương sọ não, vỡ phình mạch não, bệnh tim mạch, u não…
3. Triệu chứng
Tùy theo nguyên nhân liệt nửa người, các triệu chứng có thể biểu hiện ở các mức độ liệt nặng nhẹ khác nhau. Bao gồm:
– Liệt: liệt một tay, một chân cùng bên, có thể có liệt mặt cùng bên hoặc đối bên với chi bị liệt. Ban đầu liệt mềm, sau chuyển sang liệt cứng (tổn thương trung ương) với tăng trương lực cơ, phản xạ gân xương, cảm giác. Mẫu co cứng thường xuất hiện ở giai đoạn hồi phục, thể hiện bằng hiện tượng co cứng gấp ở chi trên và co cứng duỗi ở chi dưới.
– Rối loạn cảm giác: Tê, đau, rát, giảm hoặc mất cảm giác bên liệt.
– Rối loạn tri giác: có thể hôn mê, vật vả, kích thích…
– Rối loạn tâm thần: có thể có hoặc không sau khi bị bệnh
– Rối loạn ngôn ngữ: tùy vùng não bị tổn thương mà có thể có các rối loạn về ngôn ngữ:
– Rối loạn ngôn ngữ: tùy vùng não bị tổn thương mà có thể có các rối loạn về ngôn ngữ: thất ngôn, nói khó, nói ngọng, mất khả năng hiểu ngôn ngữ, mất khả năng diễn đạt ngôn ngữ.
– Rối loạn thị giác: bán manh (mất một nữa thị trường một hoặc 2 mắt).
– Các hậu quả của bất động: có thể có các thương tật thứ cấp như: loét do đè ép, teo cơ, cứng khớp, cốt hóa lạc chỗ, huyết khối tĩnh mạch, bội nhiễm phổi hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu…
4. Mẫu co cứng thường gặp
– Đầu: Nghiêng sang bên liệt, mặt quay sang bên lành.
– Chi trên: Co cứng gấp với:
+ Xương bả vai bị kéo ra sau, đai vai bị đẩy xuống dưới. Khớp vai khép và xoay trong.
+ Khớp khủy gấp, cẳng tay quay sấp.
+ Khớp cổ tay gấp mặt long, hơi nghiêng về phía xương trụ, các ngón tay gấp, khép.
– Thân mình: Bị co ngắn và kéo ra sau.
– Chi dưới: co cứng duỗi với: Hông bị kéo lên trên và ra sau. Khớp háng duỗi, khép và xoay trong. Khớp gối và khớp cổ chân duỗi, các ngón chân khép, bàn chân nghiêng trong.
Trong phục hồi chức năng, phần quan trọng là phòng ngừa co cứng và sử dụng các kĩ thuật cơ bản, các bài tập để chống lại mẫu co cứng.
5. Điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng
5.1. Điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng giai đoạn sớm
– Mục tiêu:
+ Chăm sóc nuôi dưỡng
+ Theo dõi và kiểm tra chức năng sống
+ Đề phòng thương tật thứ cấp
+ Kiểm soát các yếu tố nguy cơ
+ Nhanh chóng đưa người bệnh ra khỏi trạng thái bất động tại giường
– Điều trị, chăm sóc
+ Điều trị:
* Bao gồm thuốc hạ huyết áp, thuốc chống đông, kiểm soát đường máu, chống phù não và thuốc tăng cường oxy tới não…
* Phẫu thuật: có thể phẫu thuật khi có máu tụ nội sọ.
+ Chăm sóc:
* Trong giai đoạn cấp, bệnh nhân thường được theo dỏi ở phòng hồi sức hoặc cấp cứu, duy trì đường hô hấp, miệng họng sạch. Đặt nội khí quản và thở máy nếu có tăng tiết dịch và hôn mê. Sonde bang quang để theo dõi dịch. Chăm sóc da, nuôi dưỡng qua sonde dạ dày nếu bệnh nhân hôn mê hay rối loạn nuốt. Hướng dẫn gia đình chế độ ăn, cách cho ăn để tránh nghẹn, sặc.
+ Bệnh nhân cần được kê lót tốt để phòng ngừa co rút, biến dạng các khớp và loét do đè ép. Dùng gối kê vai, hông bên liệt và hướng dẫn gia đình cách đặt tư thế tại giường. Giai đoạn này có thể dùng băng
treo khuỷu tay để giảm bán trật khớp vai.
Chú ý bệnh nhân phải thường xuyên thay đổi tư thế 2 đến 3 giờ một lần để phòng ngừa loét do đè ép (nằm ngửa, nằm nghiêng bên liệt, nằm nghiêng bên lành)
+ Bố trí giường bệnh:
* Không để bệnh nhân nằm bên liệt sát tường
* Tất cả đồ dùng, trang thiết bị phục vụ bệnh nhân đặt về phía bên liệt
* Người nhà đến thăm và nhân viên đến chăm sóc đứng về phía bên liệt.
+ Tư thế nằm ngửa:
* Có gối đỡ dưới đầu chắc chắn, mặt hướng thẳng lên trần nhà hoặc quay sang bên liệt.
Không gối đầu quá cao
* Vai tay bên liệt: Có gối đỡ xương bả vai để đưa xương bả vai và khớp vai về phía trước, khuỷu tay duỗi, quay ngửa, cổ tay duỗi, các ngón tay dạng.
* Chân liệt: Có gối đỡ dưới hông và đùi, bàn chân kê vuông góc, không để cổ chân duỗi, chân đỗ ra ngoài
* Chân tay bên lành để ở tư thế thoải mái mà bệnh nhân thấy dễ chịu.
+ Nằm nghiêng bên liệt:
* Có gối đỡ đầu chắc chắn, không để đầu bị ngửa ra sau.
* Tay liệt: Khớp vai, xương bả vai được kéo ra trước tạo với thân một góc khoảng 900, khớp khuỷu duỗi thẳng, cẳng tay xoay ngửa, cổ tay và các ngón tay duỗi, dạng.
* Thân mình: nằm ở tư thế hơi ngửa ra sau, có gối đỡ ở phía lưng
* Chân liệt: khớp hang duỗi, khớp gối hơi gập. Chân lành có gối đỡ ở ngang mức với thân, khớp háng, gối hơi gập.
+ Nằm nghiêng bên lành:
* Tay liệt: có gối đỡ ngang mức với thân, khớp vai và khớp khuỷu gấp
* Thân mình: nằm vuông góc với mặt giường, có gối đỡ ở lưng
* Tay lành: Đặt ở vị trí bệnh nhân thấy thoải mái, có thể ở dưới gối hoặc ngang qua ngực
* Chân liệt: Có gối đỡ ở mức ngang với thân, khớp háng và gối hơi gập.
* Chân lành:Ở tư thế khớp háng duỗi, gối hơi gấp
– Phục hồi chức năng: Nên bắt đầu tập luyện phục hồi sớm ngay khi bệnh nhân vào viện.
+ Khi bệnh nhân hôn mê: tập thụ động tất cả các chi phòng ngừa teo cơ cứng khớp.
+ Khi bệnh đã tỉnh: Tập lăn người nghiêng sang trái sang phải, trồi lên trụt xuống tại giường; tập vận động tay liệt với sự hỗ trợ của tay lành; tập dồn trọng lượng lên chân liệt; tập làm cầu…
+ Cho người bệnh ngồi dậy sớm khi có thể.
5.2. Phục hồi chức năng giai đoạn sớm giai đoạn muộn
5.2.1. Mục tiêu:
– Duy trì tình trạng sức khỏe ổn định, tạo điều kiện cho việc tập luyện, vận động.
– Tăng cường sức mạnh cơ bên liệt.
– Tạo thuận lợi và khuyến khích tối đa các hoạt động chức năng.
– Kiểm soát các rối loạn tri giác, nhận thức, giác quan, ngôn ngữ.
– Hạn chế và kiểm soát các thương tật thứ cấp.
– Giáo dục và hướng dẫn gia đình cùng tham gia phục hồi chức năng.
5.2.2. Phục hồi chức năng:
– Tập ngồi:
+ Tập ngồi dậy từ tư thế nằm: ngồi dậy có trợ giúp, ngồi dậy không trợ giúp
+ Tập ngồi thăng bằng: tập thăng bằng tĩnh và thăng bằng động.
– Tập đứng (đứng lên từ tư thế ngồi)
+ Tập đứng lên có trợ giúp (trợ giúp nhiều hoặc ít), hoặc không cần trợ giúp
+ Tập thăng bằng đứng:
* Thăng bằng tĩnh
* Thăng bằng động: Tập đứng dồn trọng lượng đều lên hai chân, tập đứng dồn trọng lượng lên chân lành, dồn trọng lượng lên chân liệt.
– Tập đi:
+ Lúc đầu đi có trợ giúp (đi có người đỡ hoặc đi với thanh song song, khung tập đi, với nạng, gậy…).
+ Tập đi trên đường phẳng, trên đường gồ ghề, tập đi lại trong nhà, xung quanh nhà, đi trên những nơi công cộng
+ Tập đi lên xuống cầu thang: bước lên hoặc xuống cầu thang với chân lành xuống trước, sau đó bước chân liệt sau
– Phục hồi chức năng các sinh hoạt hàng ngày (ăn uống, tắm rửa, đáng răng, mặt áo quần, vệ sinh cá nhân, chải tóc…)
+ Bệnh nhân cần được hướng dẫn để sử dụng chân tay liệt cùng tham gia các hoạt động phối hợp với tay lành.
+ Có thể sử dụng một số dụng cụ chỉnh hình hoặc dụng cụ trợ giúp như: máng đỡ cổ bàn tay, đai nâng bàn chân, nẹp, giầy chỉnh hình… để thực hiện các hoạt động nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: người
bệnh càng chủ động, tự họ thực hiện các động tác càng nhiều càng tốt.
– Phục hồi chức năng ngôn ngữ, giao tiếp (trường hợp bệnh nhân có rối loạn chức năng nghe hiểu, diễn đạt ngôn ngữ).
– Phục hồi chức năng tâm lý:
Khi người bệnh có biểu hiện rối loạn tâm lý, tâm thần, cần mời bác sỹ chuyên khoa khám, điều trị phối hợp.
– Tái hòa nhập xã hội và hướng nghiệp:
+ Hướng dẫn bệnh nhân làm công việc tự phục vụ cá nhân.
+ Hướng dẫn bệnh nhân làm các công việc nội trợ gia đình.
+ Khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động xã hội, tái hòa nhập cộng đồng.
+ Tái rèn luyện nghề cũ hoặc tư vấn chọn nghề mới phù hợp với khả năng còn lại để có thu nhập kinh tế.
Một số bài tập:
5 Bài tập phục hồi chức năng
1. Tập chuyển trọng lượng lần lượt sang hai chân
Bệnh nhân đứng tựa hông bên lành cạnh mép bàn, hoặc vịn nhẹ tay lành lên mặt bàn, hai bàn chân ngang bằng nhau, cách nhau 15-20cm. Người tập hướng dẫn bệnh nhân đưa hông ra trước, gấp chân liệt lại, chuyển trọng lượng cơ thể sang bên chân lành, giữ như vậy vài giây.
Sau đó từ từ duỗi chân liệt ra. Rồi gấp chân lành lại, chuyển trọng lượng cơ thể sang chân bên liệt. Giữ như vậy vài giây rồi làm lại như lúc bắt đầu.
Có thể hướng dẫn bệnh nhân tập bằng cách đứng tựa nhẹ mông vào mép bàn, hai bàn chân ngang nhau, cách nhau 15-20 cm, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Sau đó bệnh nhân lần lượt chuyển trọng lượng sang chân bên lành, giữ như vậy vài giây rồi lại chuyển sang chân bên liệt luân phiên như vậy.
2. Tập đứng, dồn trọng lượng lần lượt lên hai chân
Người tập hướng dẫn bệnh nhân tai biến đứng thẳng, cân xứng hai bên, hai tay thả lỏng dọc theo thân, hai bàn chân cách nhau 15 – 20 cm, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Sau đó, yêu cầu bệnh nhân lần lượt lấy chân trái làm trụ, dạng chân bên phải ra, nhấc bàn chân lên khỏi sàn nhà để toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn lên chân bên trái. Người tập luôn đứng về phía bên liệt của bệnh nhân để hỗ trợ khi cần thiết và đề phòng bệnh nhân ngã về phía bên liệt.
Tiếp đến lấy chân phải làm trụ, dạng chân bên trái ra, nhấc bàn chân trái lên khỏi sàn nhà để toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn lên chân bên phải. Để đảm bảo an toàn nên cho bệnh nhân đứng bên cạnh một vật gì đó (bàn, tường, thanh song song…) để bệnh nhân có thể vịn đỡ khi cần thiết.
3. Tập gấp, duỗi khớp háng và khớp gối bên liệt
Người tập hướng dẫn bệnh nhân đứng vịn nhẹ tay vào một vật nào đó bên cạnh, hai bàn chân cách nhau khoảng 15-20 cm, chân lành ở trước chân liệt ở sau. Sau đó, bệnh nhân chuyển trọng lượng ra trước, dồn trọng lượng lên chân bên lành.
Khi toàn bộ trọng lượng cơ thể đã dồn lên chân lành ở phía trước, người tập yêu cầu bệnh nhân tập gấp và duỗi khớp háng và khớp gối bên chân liệt. Lưu ý khi gấp khớp háng và khớp gối chỉ nâng gót chân bên liệt (không nhấc cả bàn chân) lên khỏi sàn nhà.
Hoặc người tập hướng dẫn bệnh nhân đứng vịn nhẹ tay vào một vật nào đó bên cạnh, hai bàn chân ngang nhau cách nhau khoảng 15-20 cm ,sau đó dồn trọng lượng lên chân bên lành rồi tập gấp, duỗi khớp gối và khớp háng bên liệt.
4. Tập đứng thăng bằng
Bệnh nhân đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân (thăng bằng tĩnh), nếu cần trợ giúp người tập đứng về phía bên liệt. Hướng dẫn bệnh nhân tập quay đầu nhìn ra sau qua vai bên liệt và vai bên lành; đứng và vận động thân mình: cúi, ngửa, nghiêng, xoay; đứng và vận động tay: đưa tay lên trên, xuống dưới, sang phải, sang trái (thăng bằng động)
5. Tập dồn trọng lượng lên chân liệt
Bệnh nhân đứng thẳng, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Người tập đứng về phía bên liệt của bệnh nhân, giúp bệnh nhân duỗi thẳng tay sang ngang, khớp vai vuông góc. Yêu cầu bệnh nhân chuyển và dồn trọng lượng sang bên chân liệt, bước chân lành lên một vật gì đó bên cạnh, cao 15-20cm.
Có thể hướng dẫn bệnh nhân tự tập bằng cách đứng trong thanh song song, hai tay vị nhẹ lên hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều trên hai chân. Yêu cầu bệnh nhân chuyển và dồn trọng lượng sang bên chân liệt, bước chân lành lên một vật gì đó phía trước cao 15-20 cm.
Khi khả năng thăng bằng và vận động của bệnh nhân đã tốt hơn, có thể hướng dẫn bệnh nhân tự tập bằng cách đứng thẳng, sau đó chuyển trọng lượng sang bên chân liệt, bước chân lành lên một vật gì đó cao 20- 30cm ở phía trước mặt để dồn trọng lượng cơ thể lên chân bên liệt.
Cũng có thể hướng dẫn bệnh nhân đứng, bước và đặt bàn chân liệt lên một bục tập (hoặc vật gì đó cố định vững chắc) cao 15-20 cm ở phía trước. Sau đó nhấc chân lành lên rồi đặt xuống như cũ, hoặc đặt bàn chân lành lên bục tập cùng với chân liệt, hoặc bước chân lành qua bục tập sang phía bên kia.
Nguồn: Tổng hợp